Theo lương y Phạm Như Tá, mỏi và đau ở vùng lưng là tình trạng hay gặp, nhất là với những người làm các công việc phải ngồi hoặc đứng thường xuyên.
Nguyên nhân
Y học cổ truyền quan niệm có các thể loại mỏi đau vùng lưng bao gồm: yêu thống, yêu toan và yêu khao thống. Với tình trạng yêu thống là đau vùng thắt lưng một hay hai bên cột sống lưng, mà nguyên nhân thường là do thận khí hư suy hay do lao động quá sức; hoặc huyết hư, khí trệ tích tụ trong các đường kinh lạc của cơ thể; do nhiễm phải tà khí; do chấn thương, do khuân vác nặng sai tư thế… Yêu toan thì có cảm giác khó chịu, nhức và mỏi vùng thắt lưng, thường là do thận khí hư suy; hay do hoạt động tình dục quá độ; lao lực quá sức làm tổn thương thận khí. Còn yêu khao thống là tình trạng đau từ vùng eo lưng xuống xương cùng, mà nguyên nhân thường cũng là do thận khí hư suy.
Ngoài ra, còn có đau lưng yêu cốt tổn đoạn: trường hợp này là do gãy cột sống vùng thắt lưng, hay do chấn thương nặng, người bệnh có triệu chứng sưng đau tại chỗ, lệch đoạn cột sống, trượt đốt sống, nặng hơn thì tủy sống bị tổn thương, hai chân bị tê dại…, cần phải hạn chế vận động.
Mỏi và đau vùng lưng còn do nhiều nguyên nhân khác như: ngồi nhiều, ít vận động vùng lưng; sinh hoạt, làm việc, học tập ngồi sai tư thế; thể tạng béo phì. Người ta cũng thấy được khi đau đầu do suy nhược thần kinh sẽ kéo theo chứng đau lưng; do thận suy, do các tổn thương ở cột sống. Một khi đau lưng lâu ngày, tình trạng đau không chỉ ở vùng lưng, eo lưng, mà còn lan xuống phía dưới hai chân, khi đó gọi là đau thần kinh tọa.
Trị liệu
Theo lương y Như Tá, với những người hay mỏi và đau vùng lưng (trừ những trường hợp bị chấn thương, hay bệnh lý phải can thiệp bằng điều trị ở bệnh viện), có thể dùng các cách trị liệu như: Nắm hai bàn tay lại và chà hai mu bàn tay lên hai bên cột sống thắt lưng, hay dùng một số dụng cụ (có bán sẵn) để lăn mỗi khi đau, mỏi lưng.
Bên cạnh đó có thể tập một số động tác sau để trị đau mỏi vùng lưng, như: Cúi và ngửa người ở tư thế ngồi – khi cúi thì thở ra, khi ngửa thì hít vào. Hoặc dùng biện pháp hơ ấm các huyệt như: huyệt yêu nhãn, ủy trung, thận du, chí thất, thừa sơn… bằng cây ngải cứu (đốt ngải cứu lên và hơ ấm vào các huyệt); hoặc xoa, đắp thuốc rượu (được ngâm từ các vị thuốc tam thất, gừng, tế tân…).