Ngày đăng

Nghiên cứu mới: Người Việt Nam lười vận động

Việt Nam nằm trong hàng ngũ các dân tộc lười tập thể dục nhất thế giới nhưng lại có chỉ số người béo phì thấp nhất thế giới. Đây là kết quả cuộc khảo sát do các chuyên gia sức khỏe đại học Stanford ở Hoa Kỳ thực hiện.

Người Việt Nam chừng như không quan tâm lắm đến chuyện tập thể dục, đặc biệt là đi bộ hay chạy bộ để gọi là vận động thân thể và giữ gìn sức khỏe, là kết quả một cuộc thăm dò của chuyên gia đại học Stanford ở Hoa Kỳ.

Nói một cách cụ thể thì mỗi ngày một người Việt Nam nếu có chạy thì chỉ 3.600 bước là cùng, trong lúc tiêu chuẩn  trung bình toàn cầu là 5.000 bước/ngày. Vẫn theo kết quả khảo sát này, người Hồng Kong chịu chạy bộ ngoài trời nhất với 6.800 bước /ngày.

Đây là một chương trình khảo sát mới nhất  với hơn 700.000 người của hơn 100 quốc gia có thói quen tập thể dục bằng cách chạy bộ hay thực hiện những thao tác gọi là vận động thân thể.

Giáo sư Scott Delp, một trong các chuyên gia phụ trách cuôc khảo sát, cho biết đây là một chương trình thăm dò sâu rộng và lớn nhất trước nay về sự vận động của con người, từ đó phát hiện nhiều kết quả đáng lưu ý về việc tăng cường sức khỏe, sự quan tâm luyện tập của người dân các nước hầu bảo vệ và giữ gìn sức khỏe cho mình.

tập aerobic
phụ nữ làm biếng hoạt động dễ bị phì mập hơn là nam giới.

Được hỏi có phải người Việt  Nam không thích đi bộ tập thể dục mà nếu có thì số người thực hành rất ít, chị Quyên. Một doanh nhân trẻ ở Sài Gòn, xác nhận:

Cái đó cũng đúng thôi, bây giờ nhìn ở Sài Gòn đi, bước ra đường thấy xe cộ quá chừng luôn, khói bụi đủ thứ nên người ta không thích đi bộ. Đường xá vĩa hè cũng không dành cho người đi bộ nữa. Hiện nay là có những phòng tập gym, vô đó đi bộ là họ đi trên máy, chứ đường phố khói bụi ô nhiễm quá chừng người Sài Gòn không exercise không tập thể dục không thích đi bộ ở ngoài. Nhưng mà ở Hà Nội thì họ vận động ngoài trời nhiều lắm.

Theo chị Quyên thì không thể dựa trên kết quả khảo sát của viện đại học Stanford mà kết luận là người Việt Nam lười đi bộ thể dục được:

Tại vì em không ngồi một chỗ, không ngồi văn phòng, em làm công chuyện hàng ngày cũng là một hình thức exercise rồi. Ý em nói mỗi một người có cách vận động khác nhau, giống như buổi sáng có người vô công viên tập thể dục, có người đi làm về thì họ vô phòng gym họ tập.

Đối với bác sĩ Nguyễn Đang Phấn, từ bệnh viện Vì Dân, đại đa số người Việt Nam không thích tập thể dục:

Theo tôi  nhận định người Việt Nam mình không thích tập thể dục là đúng, nói  chung đại đa số không thích tập thể dục theo cái nghĩa chạy bộ đâu. Người mình nghĩ rằng khi lao động tay chân, cuốc đất, lau nhà là tập thể dục rồi. Đa số không có ra sân để tập đâu, Sài Gòn đường phố khúc khuỷu gập ghềnh, ít người tham gia đi bộ thể dục ở thành phố.

Một điểm đáng lưu ý trong bản kết quả khảo sát về tỷ lệ người đi bộ thể dục trên thế giới mà người mình về sau chót là dù rằng một ngày chỉ sải bộ vài bước so với người phương tây nhưng tỷ lệ người bị béo phì ở Việt Nam có thể nói là thấp nhất thế giới.

Như vậy là chế độ dinh dưỡng ăn uống của Việt Nam mình không giống ở nước ngoài.

Đó là kết luận của chị Quyên, còn theo chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Patin ở Sài Gòn, anh Nguyễn Thiên Kha, chuyện đi bộ thể dục ít và chuyện béo phí gần như không mấy liên quan đến nhau, ít nhất là ở Việt Nam:

Việt Nam mình uống nước ngọt ít, ít ăn đồ béo, điều  kiện thời tiết của Việt Nam mình nóng, khí hậu nhiệt đới, chỉ cần đi bộ bằng 1/3 người ta thôi là vả mồ hôi ra nhiều, đâu có mập được.

Tuy nhiên theo anh Nguyễn Hồng Ánh, một cư dân Hà Nội, đúng là tỷ lệ béo phí ở Việt Nam không cao, nhưng điều phải lưu ý là:

Nhưng mà chỉ số của bên các cơ quan dinh dưỡng của chính phủ thì luôn cảnh báo tỷ lệ béo phì của trẻ em Việt Nam đang tăng nhanh, đó là thông tin chính thống trên báo đài trên truyền thông, căn cứ theo đó mà mình để ý thôi.

Chính vì thế, theo anh Nguyễn Hồng Ánh, cần khuyến khích người trẻ trong nước đi bộ thể dục như một cách giữ sức khỏe tốt và thân thể tráng kiện.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn đồng tình với ý kiến này:

Người Việt Nam mình nói chung ăn cơm ăn rau, ít thịt, vấn đề đạm cũng yếu, sự đem calori vào cơ thể theo tôi chưa có nhiều. Đó là những yếu tố góp phần vào việc mình không bị béo phì. Chỉ có trẻ thanh phố nó ăn kẹo nhiều, uống sửa nhiều thì nó to mập. Nói chung tính đổ đồng người Việt Nam mình không mập nhất là ở nông thôn lại càng không mập phì.

Kết quả khảo sát của đại học Stanford còn nêu ra  hiện tượng gọi là mất quân bình trong hoạt động thể duc thể thao giữa người nam giới và nữ giới, không loại trừ những yếu tố phụ nhưng quan trọng như giàu nghèo, sự khác nhau giữa người thích tập thể dục và người làm biếng thường không muốn hoạt động. Bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn cho rằng điều này cũng xảy ra ở Việt Nam:

Việt Nam thì tôi lại muốn nói thế này, người hiểu biết được nghe, được đọc sách báo, được nhắc nhở nhiều thì tỷ lệ người đó có tham gia vào luyện tập bài bản nhiều hơn. Còn những người gọi là đầu tắt mặt tối, mở mắt ra là phải kiếm sống dù thanh thị hay thôn quê, nhất là bây giờ tỷ lệ công nhân nhập cư vào thành phố mà nói rằng họ sáng sớm ra chạy bộ ở công viên nào đó thì đừng có hòng. Sáng sớm bảnh mắt ra thì ăn ngay một cái bánh lót dạ rồi chạy vào nhà máy để làm ngay thôi, tập thể dục kiểu chạy bộ quanh chùa, nhà thờ hay công viên thì chẳng ai biết gì.

Theo giáo sư Jure Leskovec, cũng là một trong các chuyên gia thuộc toán khảo sát tại đại học Stanford, càng ít tập thể dục, ít đi bộ và ít hoạt động chừng nào thì nguy cơ béo phì càng nhiều chừng đó. Vẫn theo lời ông, phụ nữ làm biếng hoạt động dễ bị phì mập hơn là nam giới.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *