Hiện nay, dù phẫu thuật cột sống đã có những tiến bộ nhất định nhưng cũng khó tránh khỏi rủi ro trong quá trình thực hiện. Thống kê cho thấy tỉ lệ phẫu thuật thành công thoát vị đĩa đệm hiện nay đạt từ 90% – 95%.
Bố em năm nay 65 tuổi, trước đây sức khỏe bình thường, ăn ngủ tốt. Nhưng khoảng 3 tháng nay bố em hay than đau lưng, đau cột sống. Hễ đứng hoặc đi bộ, leo cầu thang,… lại có cảm giác đau, trong khi nằm nghỉ thì giảm đau. Lúc đầu cả nhà em tưởng bố em đau lưng bình thường do tuổi già. Cách đây 1 tháng cơn đau nặng lên, bố em bị đau lan xuống chân, đi đứng rất khó khăn. Bố em có đi khám bác sĩ thì được biết đang bị thoát vị đĩa đệm, mức độ vừa. Bác sĩ cho bố em về tập vật lý trị liệu, nếu không khỏi thì phải mổ. Em muốn hỏi mổ cột sống có nguy hiểm không, có bị liệt sau này không? Em xin cảm ơn.
(Đình Thắng, Củ Chi)
Chào bạn
Thông thường trong điều trị thoát vị đĩa đệm thường ưu tiên điều trị bảo tồn cho bệnh nhân bằng các phương pháp vật lý trị liệu, luyện tập,… Tuy nhiên nếu như bệnh nhân không đáp ứng sau khi điều trị bảo tồn, bác sĩ sẽ cân nhắc để áp dụng giải pháp can thiệp cuối cùng là phẫu thuật. Phẫu thuật được xem là một trong những cách để bạn có thể cải thiện được tình trạng đau do thoát vị đĩa đệm gây ra. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Mổ cột sống có nguy hiểm không, có bị liệt không?
Cột sống là một trong những cơ quan đặc biệt quan trọng trên cơ thể của chúng ta. Cột sống là trụ chính nâng cơ thể đứng thẳng trên hai chân đồng thời giúp bảo vệ tủy sống và rễ thần kinh của chúng ta. Rất nhiều dây thần kinh cũng chạy từ não bộ qua cột sống và đến các chi. Do đó có thể nói phẫu thuật cột sống thuộc nhóm phẫu thuật phức tạp, có thể để lại biến chứng sau mổ, nặng nề nhất là nguy cơ bị liệt. Đây cũng chính là lí do phẫu thuật cột sống thường chỉ được chọn là giải pháp cuối cùng nếu như các phương pháp điều trị khác không mang lại kết quả.
Bên cạnh đó phương pháp này cũng khiến nhiều bệnh nhân e ngại thực hiện. PGS.TS Kiều Đình Hùng Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết không phải bệnh nhân nào được chỉ định mổ cũng dám mổ vì ngại động chạm dao kéo, số khác rất sợ biến chứng sau mổ.
Hiện nay, dù phẫu thuật cột sống đã có những tiến bộ nhất định nhưng cũng khó tránh khỏi rủi ro trong quá trình thực hiện. Thống kê cho thấy tỉ lệ phẫu thuật thành công thoát vị đĩa đệm hiện nay đạt từ 90% – 95%. Trong đó, 5% còn lại là rủi ro gặp phải biến chứng. Những biến chứng sau mổ thoát vị đĩa đệm gồm có:
- Biến chứng nhiễm trùng vết mổ, là dạng biến chứng có thể xảy ra ở bất cứ phẫu thuật nào, không riêng gì phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.
- Biến chứng thương tổn thần kinh sau mổ thoát vị đĩa đệm gây đau đớn cho bệnh nhân.
- Biến chứng thoái hóa cột sống cũng khiến cho sức khỏe đĩa đệm không thể trở về tình trạng khỏe mạnh như trước khi mắc bệnh.
- Biến chứng liệt một phần hoặc liệt toàn thân.
Tóm lại, mổ thoát vị đĩa đệm vẫn có thể gây ra những biến chứng, nguy cơ bị liệt với tỉ lệ khoảng 5% trường hợp bệnh nhân. Do đó, trước khi thực hiện phẫu thuật cột sống do thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân cần trao đổi thật kỹ với bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp và an toàn nhất.