Thực tế cho thấy, ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, gia tăng nhanh và gây nguy hiểm tới tính mạng. Nếu như trước đây, bệnh gặp nhiều ở người trên 50 tuổi thì ngày nay, ung thư dạ dày cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi, thậm chí có trường hợp dưới 30 tuổi cũng mắc bệnh.
Thực trạng tỷ lệ ung thư dạ dày ở Việt Nam
Ung thư dạ dày là bệnh lý ung thư đường tiêu hóa khá phổ biến, đứng thứ 2 ở nam giới và đứng thứ 5 ở nữ giới. Cứ 100.000 nam giới thì có 24,5 người mắc ung thư dạ dày.
Hiện nay, việc chẩn đoán ung thư dạ dày thường gặp nhiều khó khăn do các triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn. Vì thế mà 70% bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn tới cơ hội chữa khỏi không cao.
Từ thực trạng trên cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày cao và tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
5 nguyên nhân khiến ung thư dạ dày ở Việt Nam tăng nhanh và trẻ hóa
Ung thư dạ dày đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa và gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây có liên quan tới lối sống, chế độ ăn uống của đại bộ phận người dân Việt Nam.
- Thứ nhất là do chế độ dinh dưỡng của đa số mọi người không được coi trọng, đặc biệt là dân văn phòng, những người có công việc bận rộn. Họ thường xuyên ăn những đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, các món cay, nóng… Thói quen ăn uống này ảnh hưởng không tốt tới dạ dày, làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
- Thứ 2, do sở thích ăn những món ăn vặt ở các quán xá vỉa hè. Những thực phẩm chưa được chế biến chín kỹ, không đảm bảo an toàn vệ sinh… khiến cơ thể dễ nhiễm các loại virus, vi khuẩn gây bệnh ở dạ dày.
- Thứ 3, do thói quen tụ tập bạn bè uống rượu bia. Thống kê trong 5 năm, Việt Nam tiêu thụ thêm hơn 1 tỉ lít bia, 10 triệu lít rượu. Việc lạm dụng bia rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan, tim mạch và các bệnh ở đường tiêu hóa, nguy hiểm nhất là ung thư đường tiêu hóa.
- Thứ 4, do thói quen ăn uống của đa số người dân Việt Nam ăn chung bát nước chấm, uống chung chén, gắp thức ăn cho nhau hoặc mớm cơm cho trẻ… Thói quen ăn uống này là nguồn lây nhiễm vi khuẩn HP – nguyên nhân chính gây bệnh ở dạ dày như đau dạ dày, viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày.
- Thứ 5, do không có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Nhiều người còn chủ quan với các biểu hiện sức khỏe không tốt như đau bụng, ợ hơi, ợ chua hoặc giảm cân… mà không biết rằng những triệu chứng ấy cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có liên quan tới ung thư.
Do đó, việc thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt sẽ góp phần quan trọng trong phòng ngừa căn bệnh này.
Tầm soát ung thư dạ dày – một trong giải pháp giúp giảm tỷ lệ tử vong
Theo các bác sĩ chuyên khoa Ung bướu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, đa số các bệnh lý ung thư đều không biểu hiện cụ thể từ sớm nên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Khi các triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, dẫn tới việc phát hiện muộn, tỷ lệ chữa khỏi không cao.
Vì thế, tầm soát ung thư là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh như chế độ ăn uống không khoa học, tiền sử gia đình có người nhà mắc ung thư, người nhiễm vi khuẩn HP, mắc viêm loét dạ dày mạn tính, nghiện rượu…. Việc tầm soát ung thư định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm bệnh ngay từ khi chưa có triệu chứng, từ đó có biện pháp chữa trị phù hợp, kịp thời.
Đối với bệnh ung thư dạ dày, việc tầm soát sớm thông qua các phương pháp thăm khám, chẩn đoán hình ảnh như xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm CEA, CA 72-4, nội soi dạ dày, siêu âm, chụp X-quang hoặc sinh thiết sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm sự hiện diện của khối u. Căn cứ vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi và giai đoạn bệnh cụ thể của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp.