Ngày đăng

Nguyên nhân và triệu chứng đau dây thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa thường gặp ở người trong độ tuổi từ 30–60, có đặc thù nghề nghiệp thường xuyên phải mang vác nặng, hay hoạt động ở một tư thế trong thời gian dài.

Đau thần kinh tọa là gì?

Thần kinh tọa (hay còn gọi là dây thần kinh hông to) là một dây thần kinh lớn, dài nhất cơ thể, chạy dọc từ sau lưng dưới tới mặt sau của hai chân. Nó đi xuyên qua lỗ trống ở đốt sống cụt, chi phối hoạt động của lưng và chân.

Bệnh đau thần kinh tọa là tình trạng đau thắt lưng xảy ra do dây thần kinh tọa bị tổn thương hoặc bị chèn ép, cơn đau thường chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa với các biểu hiện như: đau tại cột sống thắt lưng, lan tới hông, mông và xuống hai chân. Tùy từng vị trí tổn thương mà hướng lan sẽ khác nhau.

Nguyên nhân đau thần kinh tọa

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến đau thần kinh tọa, tuy nhiên các nguyên nhân thường gặp nhất đó là:

  • Thoát vị đĩa đệm: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, gây đau thần kinh tọa. Theo thời gian, các đĩa đệm bị tổn thương, nhân nhầy thoát ra ngoài và khô cứng chèn vào rễ dây thần kinh hông và gây đau.
  • Lao động quá sức hoặc vận động không khoa học: Bê vác, vận chuyển đồ, kéo vật nặng hoặc ngồi sai tư thế sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cột sống. Tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ dẫn đến chèn ép dây thần kinh, gây đau dây thần kinh tọa.
  • Nguyên nhân từ các bệnh lý cột sống: Một số bệnh lý cũng có thể gây đau thần kinh tọa như hẹp cột sống, lao cột sống, ung thư cột sống, thoái hóa cột sống, viêm khớp cột sống, viêm đĩa đệm,…
  • Đau thần kinh tọa do chấn thương hoặc nhiễm trùng: Gãy xương, viêm cơ, nhiễm trùng có thể chèn ép lên dây thần kinh hông dẫn đến những cơn đau thần kinh tọa.

Một số trường hợp không có nguyên nhân cụ thể.

Triệu chứng đau thần kinh tọa

Triệu chứng của bệnh đau dây thần kinh tọa chính là cảm giác đau đớn dọc theo dây thần kinh, từ lưng dưới, qua mông và chạy phía sau chân của một bên cơ thể.

Các triệu chứng phổ biến khác của bệnh đau thần kinh tọa bao gồm:

  • Cảm giác đau, nóng rát, tê cứng, cơ mỏi hoặc yếu và ngứa râm ran từ thắt lưng xuống mông và dọc xuống mặt sau cẳng chân. Thông thường chỉ có một chân (bao gồm cả chân hoặc một phần bàn chân) bị ảnh hưởng.
  • Các triệu chứng tệ hơn khi bạn đi lại, cúi người, ngồi lâu, ho hoặc hắt hơi nhưng đỡ hơn khi bạn nằm.
  • Cơn đau có thể nhẹ hoặc nhức, buốt, nóng rát hoặc đau cực độ.
  • Đau thần kinh tọa nghiêm trọng có thể khiến việc đi lại khó khăn hoặc thậm chí không thể đi lại.
  • Tê ở chân dọc theo dây thần kinh
  • Cảm giác ngứa ran ở chân và ngón chân

Mức độ đau cùng với cảm giác tê, ngứa có thể nghiêm trọng hơn khi ngồi hoặc đứng trong thời gian dài.

đau thần kinh tọa
Người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám khi mắc các dấu hiệu đau thần kinh tọa

Nếu các triệu chứng này nhẹ và kéo dài không quá 4 – 8 tuần thì đa số là bệnh đau dây thần kinh tọa cấp tính và không cần đến bệnh viện để điều trị. Ngược lại, khi cơn đau vượt qua thời gian trên, việc chụp X-quang hoặc MRI là cần thiết để xác định xem điều gì đang xảy ra mới mình và tìm cách điều trị sớm nhất.

Theo bác sĩ CK II Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan – Bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc: “Triệu chứng điển hình của bệnh đau thần kinh toạ đó là xuất hiện cơn đau sau một sự gắng sức, khởi đầu là đau lưng. Vài giờ hoặc vài ngày sau đó cơn đau tiếp tục tăng và lan xuống mông, khoeo, cẳng bàn chân theo đường đi của dây thần kinh toạ.

Cơn đau có thể diễn ra âm ỉ nhưng thường là dữ dội, tăng lên khi người bệnh ho, hắt hơi, cúi và giảm xuống khi nằm yên trên giường cứng, gối co lại. Bệnh nhân có cảm giác kiến bò, tê cóng hoặc như kim châm ở bàn chân”.

Không chỉ có vậy, người bệnh đau thần kinh tọa thường gặp khó khan trong các hoạt động thường ngày vì những cơn đau dữ dội, làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động. Tình trạng bệnh kéo dài không được điều trị sẽ dẫn đến mãn tính gây đau lưng không chữa trị được.

Phòng bệnh đau thần kinh tọa

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan, để phòng bệnh đau thần kinh tọa người bệnh cần:

– Tránh thực hiện các động tác mạnh hoặc thay đổi tư thế đột ngột, hạn chế làm việc nặng hoặc mang vác vật nặng làm ảnh hưởng lên vùng cột sống. Nếu phải lao động nặng cần có một tư thế vận động hợp lý và nghỉ ngơi ngay sau đó.

– Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu trong một tư thế

– Các động tác sinh hoạt, lao động hàng ngày phải bảo đảm đúng tư thế mỗi khi người bệnh đứng, ngồi, mang vác… hay nhấc vật nặng.

– Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý: hạn chế rượu, bia, không hút thuốc lá, ăn uống đ đủ chất dinh dưỡng, các thực phẩm nhiều chất xơ và giàu canxi.

– Tập thể dục nhẹ nhàng để thư giãn gân cốt, tăng cường độ dẻo dai, linh hoạt của cột sống, cơ bụng. Người bệnh không chơi những môn thể thao vận động quá sức.

– Tránh những căng thẳng quá mức về tâm lý. Luôn giữ cho tinh thần thoải mái, lạc quan.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *