Tập thể thao không đúng cách, không khởi động trước khi tập hay tập luyện quá mức … là những nguyên nhân dẫn tới các trường hợp chấn thương thể thao. Tại Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, mỗi ngày thực hiện trên dưới chục ca phẫu thuật do chấn thương khi tập luyện thể thao.
Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức về vấn đề xung quanh chấn thương do tập thể thao và cách sơ cứu khi gặp chấn thương.
Phóng viên: Thưa ông, với sự phát triển của xã hội, con người ngày càng quan tâm tới tập luyện thể thao và sức khỏe, tuy nhiên việc tập luyện này cũng có thể xảy ra một số nguy cơ chấn thương. Xin ông cho biết thực trạng về chấn thương do tập thể thao ở Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức thế nào?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh: Hàng ngày chúng tôi tiếp nhận số trường hợp đến khám do chấn thương thể thao khá nhiều. Trước đây, Bệnh viện Việt Đức thường tiếp nhận các ca chấn thương do tai nạn giao thông, lao động hay sinh hoạt chiếm tới 60-70%, đến nay, số này giảm và số các ca khám do chấn thương thể thao tăng lên. Điều này cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội, mọi người quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn, tập thể thao nhiều hơn, việc chấn thương do vận động là khó tránh khỏi. Số bệnh nhân đến khám tại Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức do chấn thương trong quá trình tập luyện thể thao chiếm xấp xỉ 50% số người đến khám.
Chấn thương thể thao không chỉ gặp ở những người trẻ tuổi mà gặp cả ở người lớn tuổi. Chúng tôi đã từng điều trị cho trường hợp chấn thương thể thao ở bệnh nhân nam 60 tuổi vì đá bóng, hay có cháu nhỏ 7-8 tuổi cũng bị chấn thương do chơi thể thao như bong gân, trẹo cổ chân, chấn thương gối, chấn thương cổ tay… Tuy nhiên trong thực tế, số bệnh nhân bị chấn thương thể thao mà chúng tôi gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20-40 tuổi, chiếm tới 70-80% số bệnh nhân chấn thương thể thao. Nói chung cứ người nào hay tập thể thao đều có nguy cơ bị chấn thương nếu không thực hiện đúng các bài tập hoặc khởi động.
Phóng viên: Môn thể thao nào dễ gặp chấn thương nhất và nguyên nhân nào dẫn tới chấn thương thể thao thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh: Trong các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất phải kể đến các môn như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis… Ngay cả môn thể thao như yoga, nhiều người nghĩ đó là môn vận động nhẹ, mềm dẻo nhưng cũng có thể gặp chấn thương, vài năm trở lại đây chúng tôi gặp khá nhiều chấn thương do tập yoga, nhẹ thì căng cơ quá mức, nặng có thể dẫn tới chấn thương cổ tay, rách sụn chêm hoặc đứt dây chằng. Hay các môn phải dùng sức mạnh nhiều như tập tạ cũng dễ gặp chấn thương. Môn thể thao có tính đối kháng, phải va chạm mạnh thường gặp chấn thương nhiều hơn các môn cá nhân. Nhóm dễ gặp chấn thương thể thao nữa là ở những người vận động thể thao nhưng sai tư thế, hay trước khi chơi thể thao mà không khởi động hoặc khởi động không kỹ.
Phóng viên: Chấn thương do tập thể thao có thể gây nên các vấn đề sức khỏe nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh: Chấn thương do thể thao có rất nhiều mức độ. Nhẹ nhất là sưng nề phần mềm, làm người tập đau, khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Nặng thì khiến người bệnh đau dai dẳng, kéo dài, nặng hơn có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, căng cơ quá mức do rách thớ cơ trong bao cơ…. Nặng nữa có thể là đứt gân, chúng tôi hay gặp nhất là những trường hợp chơi tennis, hoặc cầu lông, người bệnh chạy nhanh rồi dừng đột ngột, hay môn bóng rổ thường chạy nhanh, nhảy cao rồi tiếp đất sai tư thế có thể đứt gân gót achille. Hay cũng có trường hợp chơi thể thao bị đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối , hoặc đứt dây chằng quanh khớp cổ chân. Một những bệnh nặng của chấn thương thể thao là rách khối cơ chóp xoay ở vai do tập tạ quá sức. Thậm chí có trường hợp bị trật khớp vai, nhất là ở những môn đối kháng trực tiếp như bóng rổ. Thỉnh thoảng chúng tôi còn gặp các bệnh như trật khớp vai, gẫy xương đòn, trật khớp cùng đòn… đều do chơi thể thao.
Phóng viên: Xin ông có thể cho biết trong các trường hợp chấn thương do chơi thể thao, cần sơ cứu như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh: Trong quá trình tập thể thao, người tập cảm thấy đau, sưng ở bất cứ đâu cần nghỉ ngơi ngay, không nên vận động mạnh hoặc chơi lại ngay lúc đó. Lúc tập, nếu có bất thường như không thể tập được động tác mà trước đây mình đã từng làm do bị đau, nên ngừng tập. Nếu chỉ bị chấn thương phần mềm, cách đơn giản nhất là chườm lạnh. Ở các vận động viên chuyên nghiệp người ta có thuốc dạng xịt, làm lạnh và giảm đau ngay khi bị chấn thương. Khi người tập bị chấn thương nặng, cần bất động vùng bị chấn thương, nhẹ có thể băng chun cố định, nặng hoặc nghi ngờ gãy xương cần nẹp, tùy vào khu vực tổn thương mà nẹp cố định rồi đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa. Ví dụ như khi người tập bị chấn thương ở khớp gối cần nẹp ở tư thế duỗi thẳng, để giúp phần mềm không sưng nề, hạn chế chảy máu trong khớp và giảm đau cho người bệnh. Nhiều trường hợp không sơ cứu hoặc chấn thương nhưng tự chữa, chữa đông y hay để đau đến mức không chịu được mới tìm đến bác sĩ, lúc đó việc điều trị rất khó khăn, phức tạp.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
Lời khuyên của PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh với những người chơi thể thao:
- Trước khi chơi thể thao cần có quá trình khởi động để làm nóng cơ, nên tập khởi động kỹ sẽ tránh chấn thương khi chơi thể thao.
- Khi tập thể thao cần tăng dần mức độ, từ ít đến nhiều, từ nhẹ đến nặng, không nên tập nặng hoặc tập quá sức.
- Tập các môn thể thao phù hợp với thể trạng và sức khỏe của mỗi người.
Tuy nhiên đã chơi thể thao thì ai cũng có thể gặp chấn thương, nhưng nếu thực hiện các biện pháp ở trên sẽ giúp người chơi thể thao giảm được nguy cơ gặp chấn thương.