Bằng cách thu thập dữ liệu từ điện thoại thông minh, các nhà khoa học Mỹ thống kê được mức độ vận động của người dân các nước dựa trên số bước chân trung bình mỗi ngày.
Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nature, dân Hong Kong (Trung Quốc) vận động tích cực nhất với 6.880 bước chân mỗi ngày, trong khi xếp chót bảng là Indonesia với 3.513 bước chân.
Dân Việt Nam cũng thuộc nhóm ít vận động, chưa tới 4.000 bước chân – dưới mức trung bình thế giới.
Công trình quy mô
Các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đã thu thập dữ liệu nặc danh từ hơn 700.000 người sử dụng ứng dụng di động theo dõi cường độ hoạt động Argus.
Qua khối dữ liệu tương đương 68 triệu ngày hoạt động của nhóm đối tượng nghiên cứu, họ tính toán được số bước chân trung bình là 4.961/ngày.
Nhìn chung, người dân các nước Bắc Phi, Nam Á và Đông Nam Á ít vận động hơn so với châu Âu, Bắc – Trung Á và Đông Á (riêng phần còn lại của châu Phi không có dữ liệu).
Tại châu Á, dân Trung Quốc và Nhật Bản có cường độ vận động thuộc hàng đứng đầu, lần lượt là 6.189 và 6.010 bước chân/ngày.
“Công trình này lớn hơn 1.000 lần so với bất cứ nghiên cứu nào trước đây về sự vận động của con người. Chúng tôi có dữ liệu từ nhiều quốc gia, đối tượng và mức độ theo dõi là thường xuyên” – giáo sư công nghệ sinh học Scott Delp, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Bất bình đẳng vận động
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra nhiều dữ liệu khá thú vị có thể dùng để chiến đấu với căn bệnh béo phì. Chẳng hạn, số bước chân trung bình của người dân một quốc gia không ảnh hưởng mấy đến mức độ béo phì của nước đó.
Chìa khóa nằm trong cụm từ: “bất bình đẳng vận động”. Thay vì “bất bình đẳng giàu nghèo”, thì đây là sự khác biệt giữa người siêng vận động nhất và người lười biếng nhất.
Mức độ “bất bình đẳng vận động” càng cao, tỉ lệ béo phì càng tăng.
Chuyên gia Tim Althoff dẫn một ví dụ: “Thụy Điển có khoảng cách bất bình đẳng vận động thấp nhất, nên tỉ lệ béo phì của nước này cũng thuộc hàng thấp nhất“.
Mỹ và Mexico đều có số bước chân trung bình như nhau, nhưng Mỹ có mức độ “bất bình đẳng” và tỉ lệ béo phì cao hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng rất ngạc nhiên trước thực tế là “bất bình đẳng vận động” chủ yếu xuất phát từ sự khác nhau giữa nam và nữ. Ở các nước như Nhật Bản – nơi có tỉ lệ béo phì thấp – đàn ông và phụ nữ luyện tập thể dục gần như nhau.
Nhưng ở các nước có sự “bất bình đẳng vận động” cao, như Mỹ và Saudi Arabia, phụ nữ dành ít thời gian vận động hơn.
Cơ sở hạ tầng cũng quan trọng
Nhóm nghiên cứu Stanford còn phát hiện ra cường độ vận động của con người còn phụ thuộc vào nơi họ sinh sống. Không có gì ngạc nhiên khi ở những thành phố thân thiện với người đi bộ, có vỉa hè thông thoáng thì người dân cũng đi bộ nhiều hơn.
Đánh giá 69 thành phố ở Mỹ về phương diện này, New York và San Francisco được xem là thân thiện với người đi bộ, trong khi dân Houston và Memphis phải di chuyển bằng xe hơi nhiều hơn.
Nhóm nghiên cứu cho rằng các đô thị nên rút từ kinh nghiệm này để thiết kế hạ tầng sao cho người dân có thể dễ dàng vận động.