Ngày đăng

Phẫu thuật trĩ không còn đáng sợ!

Có lẽ chỉ có ai đã từng bị trĩ hành hạ thì mới thấu hiểu cái sự khó chịu của cái bệnh “tuy không chết người nhưng muôn vàn đau đớn, đứng không được ngồi không xong nhưng ai hỏi lại không dám nói”.

Với nhịp sống sinh hoạt hiện đại, ăn uống lại đầy chất béo nhưng lại giảm chất xơ, số bệnh nhân mắc phải bệnh trĩ ngày càng gia tăng đáng kể, nhất là giới chức văn phòng. Hàng ngày, chỉ riêng tại Khoa Ngoại Tổng quát của Bệnh viện Bình Dân, có khoảng 60 bệnh nhân đến khám các bệnh lý về hậu môn trực tràng, trong đó trĩ chiếm đến 70-80%. Mỗi ngày Bệnh viện Bình Dân cũng làm phẫu thuật cắt trĩ cho khoảng 30 bệnh nhân với nhiều phương pháp khác nhau.

Muốn điều trị trĩ thì trước hết phải hiểu nguyên nhân tạo ra búi trĩ. Tuy nhiên vấn đề này lại vẫn còn gây tranh cãi cho đến nay. Trước đây, nguyên nhân tạo nên búi trĩ được cho là do ứ huyết, tắc mạch, nên việc điều trị chủ yếu là tìm cách cắt bỏ hoàn toàn búi trĩ. Nguyên lý này được áp dụng rộng rãi trong Đông y để điều trị, cùng với sự xuất hiện đầy rẫy các quảng cáo “điều trị trĩ, mạch lươn” dán ở các gốc cây. Việc cắt bỏ này nghe thì đơn giản nhưng lại rất đau đớn đối với bệnh nhân, thời gian phục hồi rất lâu và việc đại tiện sau mổ thực sự là cơn “ác mộng” vì vùng cắt bỏ đầy rẫy các dây thần kinh cảm giác.

Hiện nay với hiểu biết về sinh bệnh học bệnh trĩ, các nhà khoa học đã chứng minh là các đám rối tĩnh mạch trĩ là trạng thái sinh lý bình thường, tạo nên lớp đệm ở ống hậu môn, giúp kiểm soát sự tự chủ của đại tiện. Từ phát hiện này, quan niệm mới về điều trị trĩ là cố gắng bảo tồn lớp đệm này và làm thể tích búi trĩ nhỏ lại theo sinh lý bình thường và đưa về đúng vị trí giải phẫu của nó. Với các phát hiện về sinh bệnh học và giải phẫu học, từ thập niên 90, các phương pháp phẫu thuật mới dựa trên nguyên tắc bảo tồn lớp đệm hậu môn, giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định mô trĩ vào ống hậu môn.

Nhưng thực hiện như thế nào để giảm đi sự đau đớn cho bệnh nhân sau mổ lại là sự đau đầu và lo lắng khác của bác sĩ. Vấn đề này sau đó đã được Giáo sư Antonio Longo, người Ý, đưa ra hướng giải quyết đơn giản là đưa đường phẫu thuật trĩ lên cao phía trên đường lược, là vùng không có các dây thần kinh tiếp nhận cảm giác đau, do đó khi phẫu thuật vùng này có lợi điểm là không đau.

Nguyên tắc của phương pháp phẫu thuật này là phẫu thuật viên sử dụng dụng cụ để cắt và khâu một khoanh niêm mạc khoảng 3-4cm trên đường lược: Thứ nhất là cắt khoanh niêm mạc để triệt mạch các mạch máu đến búi trĩ để giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ, đạt mục tiêu thu nhỏ thể tích trĩ. Thứ hai là khâu nối hai đầu niêm mạc đã cắt dài khoảng 2-3cm để treo được đệm hậu môn vào ống hậu môn. Hai động tác cắt và khâu này làm cho búi trĩ không còn chảy máu và không sa ra ngoài hậu môn, đây là hai triệu chứng chính của bệnh trĩ đưa bệnh nhân đến khám bệnh.

Phương pháp này được ưa chuộng vì không đau do các thao tác được thực hiện ở vùng không có cảm giác đau. Và do không đau nên thời gian nằm viện ngắn, bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày và trở lại làm việc bình thường sau 1-2 ngày. Do đây là phương pháp phẫu thuật được đánh giá là ít xâm nhập nên có thể áp dụng cho mọi đối tượng, hầu như không để lại dư chứng trầm trọng và sẹo sau mổ cũng không to và xấu như mổ cắt ngang. Trên thế giới hiện nay, các phương pháp không xâm nhập (non-invasive) và ít xâm nhập (minimally invasive) là phương pháp được các bác sĩ và bệnh nhân lựa chọn hàng đầu, do các phương pháp này không tác động trực tiếp trên các cơ quan của cơ thể và làm các cơ quan này không hồi phục được. Ở các bệnh viện tiên tiến đều có các khoa điều trị không xâm nhập.

phẫu thuật trĩ longo
Phương pháp này được ưa chuộng vì không đau do các thao tác được thực hiện ở vùng không có cảm giác đau

Có hai điều chính cần lưu ý đối với bệnh nhân muốn thực hiện phẫu thuật trĩ phương pháp Longo.

Trước hết là vấn đề chi phí. Như đã nói về cách mổ bên trên, để giảm tối đa cảm giác đau đớn cho bệnh nhân thì bác sĩ phải cắt phía trên đường lược là nơi không có thần kinh cảm giác. Để cắt được ở vị trí này thì phải dùng một dụng cụ cắt nối đặc biệt vì bàn tay phẫu thuật viên không đưa vào được. Dụng cụ này khá đắt tiền và chỉ sử dụng được một lần do hãng Johnson & Johnson Mỹ sản xuất. Chúng tôi cũng ghi nhận là phần lớn các bệnh nhân thực hiện phẫu thuật trĩ phương pháp Longo này đều có bảo hiểm cơ quan chi trả, đó cũng là điều đáng mừng và cần được khuyến khích triển khai. Chi phí mổ ở BV Bình Dân khoảng 12 triệu đồng.

Lưu ý thứ hai là vấn đề thời gian. Do vấn đề tế nhị của bệnh, hầu hết bệnh nhân đều đợi đến khi chịu không nổi nữa mới chịu đến bệnh viện khám, hoặc tệ hơn là sau khi đã gặp đủ các ông thầy gốc cây trị trĩ mạch lươn. Nếu bệnh nhân để búi trĩ quá lâu hoặc để đến lúc quá đau đớn, không thể đi đại tiện được nữa mới đi khám thì lúc đó có khi búi trĩ đã quá to, hoặc tắc mạch, hoặc có thêm các biến chứng khác như nứt hậu môn… thì có khi không áp dụng được phương pháp Longo để phẫu thuật mà vẫn phải áp dụng phương pháp truyền thống, bệnh nhân sẽ rất đau và phải chờ từ 4-6 tuần mới hồi phục hoàn toàn và có thể trở lại làm việc bình thường.

Theo ghi nhận, nếu bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán trĩ nội độ II hay III thì phương pháp phẫu thuật ít xâm nhập hay còn gọi là phương pháp Longo này sẽ đem đến kết quả rất tốt.

Chúng tôi xin gửi lời nhắn nhủ đến các bệnh nhân có các triệu chứng bệnh lý vùng hậu môn trực tràng là nên đến các bệnh viện khám sớm khi có các triệu chứng bất thường, để việc điều trị được kịp thời, dễ dàng, ít đau đớn, hồi phục nhanh.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *